Điều kiện để nhập khẩu gỗ Mỹ về Việt Nam?
Gỗ tự nhiên từ Mỹ là mặt hàng khi nhập khẩu về Việt Nam có rất nhiều lưu ý bạn cần nắm chắc. Từ việc xác định căn cứ nhập khẩu cho đến hồ sơ, thủ tục nhập khẩu gỗ đều cần bạn thực hiện chính xác. Việc tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định liên quan sẽ giúp quá trình nhập khẩu gỗ về nước thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Căn cứ tiến hành thủ tục nhập gỗ tự nhiên
Trước khi làm thủ tục nhập khẩu gỗ tự nhiên, đầu tiên bạn cần kiểm tra tên khoa học của loại gỗ nhập khẩu. Việc xác định tên gỗ sẽ giúp bạn biết được loại gỗ đó có được phép nhập khẩu về Việt Nam hay không.
Để tìm hiểu được thông tin này, bạn xem chi tiết tại danh mục CITES được ban hành kèm theo các quy định, Thông tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Căn cứ vào danh mục CITES, có 3 trường hợp xảy ra:
- Nếu loại gỗ bạn định nhập không nằm trong danh mục CITES thì bạn có thể làm hồ sơ nhập khẩu bình thường như những mặt hàng khác.
- Nếu loại gỗ nhập khẩu nằm trong nhóm I thì không được phép nhập khẩu.
- Nếu loại gỗ nhập khẩu nằm trong nhóm II và II thì khi nhập khẩu bạn phải xin ý kiến của cơ quan CITES Việt Nam thì mới được phép nhập.
Đối với trường hợp 3, doanh nghiệp cần gửi 1 bộ hồ sơ xin ý kiến nhập khẩu gỗ tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Khi nộp hồ sơ có 2 trường hợp xảy ra:
- Trong thời hạn 8 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép.
- Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam sẽ thông báo cho doanh nghiệp khi hồ sơ không hợp lệ.
Với những trường hợp cần tham vấn trước khi cấp phép nhập khẩu, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam sẽ thực hiện. Thời gian thực hiện không quá 30 ngày.
Yêu cầu chung khi nhập khẩu gỗ theo quy định
Hiện nay, để nhằm giảm thiểu những tác động của rủi ro thương mại ngành gỗ gây ra, ngày 01/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Theo đó, căn cứ vào Điều 4 của Nghị định, mặt hàng gỗ khi nhập khẩu phải đảm bảo các yêu cầu chung như sau:
- Gỗ nhập khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
- Quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
- Gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro.
- Chủ gỗ nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu.
Mã HS và chính sách về thuế của gỗ tự nhiên
Để thực hiện được thủ tục nhập khẩu gỗ chính xác, bạn cần xác định được mã HS của mặt hàng nhập khẩu. Với loại gỗ được phép nhập khẩu theo quy định, bạn có thể tham khảo Biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành để xác định mã HS.
Việc xác định đúng mã HS sẽ giúp bạn biết được mức thuế nhập khẩu gỗ về nước là bao nhiêu. Đồng thời, dựa trên mã HS bạn có thể biết được các thủ tục cần có khi nhập khẩu gỗ về Việt Nam như thế nào.
Đối với mặt hàng gỗ tự nhiên, bạn có thể tham khảo Chương 44 trong biểu thuế xuất nhập khẩu. Cụ thể, trong bài viết này Thông Tiến Logistics đang đề cập đến loại gỗ có mã HS là:
- Mã HS 44.03: Gỗ cây dạng thô, đã hoặc chưa bóc vỏ hoặc dác gỗ hoặc đẽo vuông thô.
Trong mã HS 44.03 bao gồm nhiều mã hàng nhỏ dùng để chỉ chi tiết từng loại gỗ nhập khẩu. Để xác định chính xác loại gỗ nhập khẩu có mã HS như thế nào, bạn nên tìm hiểu qua Biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành.
Với hàng hóa thuộc mã HS 44.03, hiện thuế suất thuế nhập khẩu là 0% và thuế giá trị gia tăng là 10%.